Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018: Ngành gỗ và mối lo bị doanh nghiệp Trung Quốc “lũng đoạn”
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), ước tính, tháng 1/2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 730 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Với các FTA có hiệu lực từ năm 2018, ngành gỗ sẽ bước vào một giai đoạn mới với nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu (XK). Trước triển vọng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong ngành thống nhất đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất toàn ngành chế biến gỗ trong năm 2018 là 10,2 tỷ USD.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam lớn nhất các nước trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: “Dư địa phát triển ngành này còn rất lớn, khả năng để chúng ta liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị bằng việc kéo dài chu kỳ rừng để có gỗ lớn, nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến, chiếm lĩnh được thị trường, phát triển được thị trường về số lượng là tốt, tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn là phải đảm bảo được giá trị gia tăng.”
Với nhiều FTA đã được ký kết trong thời gian qua, năm 2018 sẽ là dấu mốc để những FTA này có hiệu lực. Đặc biệt, FTA Việt Nam ký kết với EU sẽ mở ra thị trường rất lớn của 28 quốc gia. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ tác động tích cực tới ngành chế biến, XK gỗ. Để chuẩn bị cho hiệp định này, nhiều nước trong khối đã sang làm việc với ngành gỗ, triển vọng khá rộng mở.
Một trong những nguyên nhân tạo nên thuận lợi trong XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 còn là sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài dành cho DN Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm gỗ Việt Nam được XK tới nhiều quốc gia. Các đối tác lớn mua hàng từ DN Việt Nam vốn có nhiều kinh nghiệm về thị trường các nước trên thế giới nên đã truyền đạt lại cho DN Việt. Nội dung truyền đạt cụ thể gồm thị hiếu khách hàng, quy cách, khối lượng sản phẩm… Thậm chí, các đối tác này còn hỗ trợ DN Việt cả về vấn đề tài chính. Ví dụ, hãng sản xuất đồ nội thất Ikea (Thụy Điển) đã hỗ trợ Công ty Woodsland và Công ty CP Lâm sản Nam Định (Nafoco) tiền để làm chứng chỉ rừng.
Tuy có nhiều thuận lợi, song các DN sản xuất đồ gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn điển hình như việc thiếu nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành chế biến, XK gỗ Trung Quốc dự kiến thiếu khoảng 60 triệu m3 gỗ.
“Các DN Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường thu mua, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á…, gây áp lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng, càng tạo ra tình cảnh khan hiếm nguồn cung”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, trong thời gian gần đây, xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết để tận dụng các ưu thế tại Việt Nam. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường lao động và nguyên liệu trong nước. Nguy hiểm hơn, điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ.
Theo tính toán của VIFORES, ngành gỗ hiện ít nhất phải cung cấp 33 triệu m3, nhưng lượng gỗ trong nước mới đáp ứng khoảng 23 triệu m3. Tuy nhiên, điểm yếu của gỗ Việt là diện tích gỗ rừng trồng rất lớn nhưng đường kính lại nhỏ quá, nên năng suất gỗ/chu kỳ thấp.
Nguồn:http:http://enternews.vn/nhom-hang-xuat-khau-chu-luc-nam-2018-ky-4-nganh-go-va-moi-lo-bi-doanh-nghiep-trung-quoc-lung-doan-125924.html
Tin liên quan